Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

Mở thêm cửa dọn nợ xấu ngân hàng

Hôm nay (28/5), trần lãi suất huy động 11%/năm và trần lãi suất cho vay 14%/năm chính thức có hiệu lực. Cùng với đó, có thông tin cho rằng, NHNN sắp cho phép thành lập công ty mua bán nợ xấu. 
 
Bài liên quan : <<  Ngân hàng Habubank Xóa Nợ Thành Công>>
                         <<  Ngân hàng Habubank Tự Tin Phát Triển>>
Không bất ngờ, nhưng… nghi ngờ
Cuối tuần qua, NHNN đã “ghi điểm” với Quốc hội, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN) khi tiếp tục hạ các mức lãi suất chủ chốt thêm 1%. Với các chuyên gia kinh tế, động thái này không gây bất ngờ. TS. Nguyễn Trí Hiếu thậm chí cho rằng, mức giảm 1% là quá thận trọng, vì với thực tế hiện nay, NHNN có thể giảm lãi suất sâu hơn. Tuy nhiên, sự thận trọng này là hợp lý, vì lạm phát kỳ vọng dù đã giảm mạnh, nhưng vẫn ở mức cao so với thế giới và tiềm ẩn diễn biến khó lường.
Điều khiến dư luận băn khoăn là, lãi suất cho vay thực tế liệu có giảm, khi lãi suất điều hành đã giảm?
Theo thống kê của NHNN, lo lắng trên là có cơ sở, bởi trong 15 ngày đầu tiên áp dụng mức lãi vay trần 15%/năm cho 4 nhóm đối tượng ưu tiên, lãi suất cho vay đối với sản xuất, kinh doanh thông thường đang cao hơn từ 1 - 2,5%/năm và nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với lãi suất 18-19%/năm.
Ông Nguyễn Phi Thường, Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho rằng, thời gian qua, nhiều ngân hàng công bố hạ lãi suất 14 - 15%/năm chỉ là “làm thương hiệu”. Vì vậy, để DN tiếp cận được lãi suất cho vay đúng mức trần công bố, NHNN cần công khai báo cáo dư nợ tín dụng theo loại lãi suất của từng ngân hàng.
TS. Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cảnh báo: “Độ trễ của hạ lãi suất kéo quá dài, nếu tình hình này kéo dài thêm thì rất nguy hiểm, gây mất niềm tin. Để chủ trương hạ lãi suất đi vào cuộc sống, ngân hàng cần đưa ra những điều kiện hợp lý để cho vay, DN cũng phải cố gắng vươn lên để đảm bảo yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Cả hai bên đều phải chia sẻ khó khăn, nếu mỗi bên đều chỉ vì lợi ích của mình, thì giống như cơ hội gặp nhau của hai người chạy hai bên bờ sông”.
Sẽ có công ty mua nợ xấu ngân hàng?
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, tổng giám đốc một ngân hàng TMCP khẳng định, ngân hàng này sẽ tuân thủ chủ trương hạ lãi suất của Chính phủ. Tuy nhiên, số khách hàng đủ điều kiện hưởng lãi suất cho vay14% chỉ chiếm dưới 5% số lượng khách hàng của ngân hàng này. Số doanh nghiệp còn lại vẫn phải vay vốn giá cao bởi không đáp ứng được tiêu chí: không được phép có nợ xấu.
Tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh từ đầu năm đến nay là lý do chính khiến các ngân hàng không dám cho vay. Theo một nguồn tin của Báo Đầu tư, tính từ đầu năm đến gần cuối tháng 5/2012, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng là - 0,89%.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietinbank cho biết, hiện nay, vấn đề lãi suất không đáng ngại bằng nợ xấu. Vì vậy, dù lãi suất hạ, nhưng ngân hàng không dám cho vay ra nếu không giải quyết được nợ xấu. Cũng theo ông Thành, NHNN đang dự kiến thành lập một công ty mua bán nợ xấu để giải quyết tình trạng này.
Trước đó, NHNN chi nhánh TP.HCM cũng đã kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập các công ty mua bán nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thành lập công ty mua bán nợ xấu ngân hàng “là một giải pháp không tồi” để xử lý nợ xấu ngân hàng. Bởi nợ xấu ngân hàng có quy mô lớn, không thể trông chờ ở một doanh nghiệp có năng lực tài chính hạn chế hiện nay là Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp của Bộ Tài chính.
Không phản đối ngân hàng đưa ra điều kiện cho vay, TS. Cao Sĩ Kiêm đồng tình với việc “khai tử” những doanh nghiệp quá yếu kém. Song TS. Cao Sĩ Kiêm cũng hy vọng, Chính phủ và các ngân hàng sẽ rà soát, đánh giá lại đúng năng lực của từng doanh nghiệp để gấp rút bơm vốn rẻ cho những doanh nghiệp có tiềm lực phát triển trong tương lai nhưng đang gặp khó khăn tạm thời vì thiếu vốn. “Tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đề ra không khó, chỉ cần tích cực tái cơ cấu nợ, nới điều kiện vay. Trong bối cảnh doanh nghiệp ốm yếu hiện nay, phải có cú hích đủ mạnh thì doanh nghiệp mới bật lên được. Đừng để đến đến lúc doanh nghiệp được “đổ cháo”, nhưng đã hết sức để ăn”.
Ngân hàng Habubank

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét