Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Ngân hàng vẫn "mê" tăng vốn

Dù không phải tăng vốn theo lộ trình quy định như trong năm 2011, nhưng trong mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều ngân hàng vẫn xin ý kiến cổ đông để tăng vốn điều lệ. 
 
Bài liên quan : <<  Ngân hàng Habubank Xóa Nợ Thành Công>>
                          <<  Ngân hàng Habubank Tự Tin Phát Triển>>
 
Đại hội cổ đông năm 2012 của Ngân hàng Á Châu (ACB) đã thông qua phương án tăng thêm 3.000 tỉ đồng vốn điều lệ, từ 9.300 tỉ đồng lên 12.300 tỉ đồng. Ngân hàng Đông Á cũng đã được cổ đông đồng tình với chủ trương phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ năm 2012 từ 5.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn, nhà nước nắm cổ phần chi phối là Vietinbank, đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 20.230 tỉ đồng lên 26.217 tỉ đồng.

Một loạt các ngân hàng khác như Sacombank, Techcombank, Eximbank, Maritime Bank cũng cho biết sẽ tiếp tục tăng vốn trong năm nay.

Trước hiện tượng các ngân hàng đua nhau công bố các kế hoạch tăng vốn, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh cho rằng mỗi ngân hàng có một mục đích khác nhau, nhưng theo ông có hai nguyên nhân chính khiến ngân hàng muốn tăng vốn. Một là các ngân hàng vẫn muốn lớn mạnh hơn nữa. Hiện tại, khi so sánh độ lớn của các ngân hàng, Việt Nam thường chú trọng nhiều đến vốn điều lệ. Vì vậy, nếu vốn điều lệ lớn, cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng mau chóng vươn lên tốp đầu, và khả năng huy động vốn từ dân cư cũng sẽ dễ dàng hơn. Một nguyên nhân nữa chính là việc bản thân các ngân hàng muốn chống lại khả năng bị thâu tóm, sáp nhập. Vốn càng lớn thì rủi ro từ việc bị thâu tóm càng nhỏ.

Đồng thời, ông Ánh còn cho rằng việc tăng vốn cũng là để chứng tỏ ngân hàng có được cổ đông tín nhiệm hay không. Trong bối cảnh hiện nay, nếu nhà đầu tư vẫn mua vào cổ phiếu phát hành thêm thì cũng có nghĩa là họ tin tưởng vào sự phát triển của ngân hàng đó.

Chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa tỏ ra ngán ngại trước các kế hoạch tăng vốn của ngân hàng. Ông đưa ra những con số cụ thể như trong năm 2000, vốn điều lệ toàn hệ thống ngân hàng là 500 triệu đô la Mỹ, tổng tài sản 10 tỉ đô la Mỹ. Năm 2011, vốn điều lệ đã lên tới 12,5 tỉ đô la, tổng tài sản khoảng 180 tỉ đô la Mỹ, tăng đến 18 lần. 

Ông Nghĩa đặt câu hỏi: "Vốn ở đâu ra? Có đúng là vốn thật từ lợi nhuận để lại hay vốn từ dân?". Theo ông Nghĩa, tiền vẫn chủ yếu từ các ông chủ và sự sở hữu chồng chéo giúp cho các ông chủ có thể lấy vốn chỗ này, bỏ vốn chỗ nọ, sau khi đã tăng đủ vốn lại rút ra đầu tư vào chỗ khác. Nguồn gốc của tiền góp vốn không rõ ràng. Vì vậy, việc tăng vốn, nếu chỉ là vốn ảo chưa hẳn đã tốt cho hệ thống ngân hàng.

Ông Nghĩa cho rằng, các ngân hàng vốn thì cứ tăng, nhưng chất lượng tài sản thấp, nợ xấu rất lớn, quản trị rủi ro lỏng lẻo. Vì vậy, theo ông khi vốn điều lệ của ngân hàng tăng lên, thì ngân hàng cũng phải chú trọng nâng cao trình độ quản lý, kinh doanh, kiểm soát vốn thì mới giúp cho hệ thống ngân hàng lớn mạnh thực sự.

Nhiều ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn đã tăng vốn điều lệ qua hàng năm bằng các phương án phát hành cổ phiếu thêm, chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nhưng trong năm nay, đa phần các chuyên gia đều cho rằng các ngân hàng sẽ không dễ để thuyết phục cổ đông mua thêm cổ phiếu trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nhất là cổ tức các ngân hàng chia cho cổ đông không nhiều như trong năm 2011, chỉ xoay quanh mức 10%/năm. Thực tế, trong năm ngoái, kế hoạch tăng vốn của Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) từ 3.000 tỉ đồng lên 5.000 tỉ đồng hay dự định tăng vốn của Ngân hàng Đông Á lên 6.000 tỉ đồng cũng đã bị hoãn lại trước tình hình thị trường chứng khoán quá ảm đạm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét