Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Lãi suất ngân hàng: Quản thế nào?

Trong một thời gian ngắn, NHNN đã hai lần chỉ đạo hạ lãi suất huy động (LSHĐ) đối với các NHTM và tổ chức tín dụng (NHTM) với hy vọng là lãi suất cho vay (LSCV) sẽ giảm.
 
Bài liên quan : <<  Ngân hàng Habubank  >>
 
LSHĐ hiện nay đã ở mức 12%/năm. Thế nhưng, các DN vẫn phải vay vốn với lãi suất cũ, cách đây vài ba tháng, từ 18% đến 20% cho các loại hình sản xuất, kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là: Nhà nước có cần quản lý LSHĐ và LSCV hay không và quản như thế nào?

Quản "trần" là không thấu lý

LSCV của NHTM có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các DN. Bởi lẽ, vốn kinh doanh của các DN hiện nay phụ thuộc phần lớn vào vốn vay của các NHTM. LSCV là bộ phận cấu thành chi phí kinh doanh của các DN. LSCV càng cao thì khả năng cạnh tranh của các DN càng yếu. Từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế nước ta ở tình trạng bất ổn với lạm phát cao. Song, điều không bình thường là, lạm phát cao đã đẩy LSCV lên cao, các DN càng khó khăn thì ngược lại, các NHTM lại càng lãi lớn. Từ đó, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý cho rằng, Nhà nước cần quản lý đối với LSCV. Khi thảo luận, góp ý cho Luật Giá sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới, một số ý kiến đề nghị đưa LSCV của các NHTM vào danh mục giá do Nhà nước quy định. Như vậy, rõ ràng là việc quản lý LSCV đã trở thành đòi hỏi khách quan của nền kinh tế. Vấn đề còn lại chỉ là quản như thế nào để không trái luật và phù hợp với đòi hỏi của kinh tế thị trường. Tuy nhiên việc NHNN không quy định trần LSCV, nhưng lại quy định trần LSHĐ đã nảy sinh ý kiến cho rằng, NHNN đang "quản ngược"!

LSHĐ là đầu vào và LSCV là đầu ra của NHTM. Trong kinh tế thị trường, trừ các sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước định giá, các DN có quyền quyết định giá đầu vào và giá đầu ra của hàng hoá, dịch vụ của mình. Các NHTM cũng là những DN và cũng có các quyền đó. Vì vậy, NHNN dùng mệnh lệnh hành chính để áp đặt trần LSHĐ và cả trần LSCV là không thoả đáng. Hơn nữa, với quy định cứng về trần LSHĐ và LSCV, các NHTM đã "lách luật" bằng rất nhiều biện pháp tinh vi để cạnh tranh thu hút tiền gửi và nâng LSCV trong thực tế. Chẳng hạn, với tiền gửi, các NHTM đã áp dụng khá nhiều biện pháp thưởng, khuyến mãi đối với người gửi tiền. Với LSCV, các NHTM đặt ra hàng loạt phí để thu thêm từ người vay như phí quản lý hồ sơ, phí quản lý tài sản đảm bảo, phí đôn đốc thu nợ...

Phân tích trên cho thấy, quản "trần" LSHĐ và LSCV đều không thấu lý. Nhưng lại không thể thả nổi LSCV vì khi đó, các NHTM sẽ có cuộc liên minh ngầm, đẩy LSCV lên cao, thao túng nền kinh tế. Và hậu quả sẽ là, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh chỉ để "nuôi" các ngân hàng. Khi tư bản tài chính khống chế nền kinh tế thì tư bản sản xuất, tư bản thương mại sẽ biến mất. Đó là vấn đề có tính quy luật trong kinh tế tư bản!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét